Home » Nhật ký lữ hành » Chùa Trấn Quốc – Một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Chùa Trấn Quốc – Một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

      Chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (năm 541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi “Khai Quốc”

Thời Lý, Thái Hậu Ỷ Lan thường mở tiệc Trai tăng, đàm đạo cùng các vị cao tăng. Chùa Trấn Quốc về sau cũng từng là Tổ đình của Thiền phái Tào Động do vị Tịnh Trí Giác Khoan – một Thiền sư đời Hậu Lê truyền đến và hiện nay có các tòa tháp để lại.
Đầu thế kỷ 15, sau 10 năm đuổi được giặc Minh, Lê Lợi chấm dứt cuộc Bắc thuộc lần thứ 2. Mong mỏi đất nước an bình lâu bền, cho nên đến năm 1440 vua Lê Thái Tông đổi tên chùa là An Quốc.


Năm 1615, dưới triều vua Lê Kính Tông, chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Năm 1639 chúa Trịnh cho sửa lại cổng tam quan và xây hành lang hai bên tả hữu. Vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa(1680 – 1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Bức hoành phi đề chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian đại bái hiện nay được làm từ thời đó.

Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu và mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này. Đầu đời Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được người dân quen gọi đến tận ngày nay.

Dọc theo chính điện với nhiều tầng cửa võng chạm trổ tinh xảo có bài trí một hệ thống đầy đủ các tượng Phật và Bồ tát dát vàng, hai cửa vào thiêu hương đều có tượng Kim Cương đứng trấn. Gian bên trái tiền đường thờ tượng Quan Vũ, Châu Sương và gian bên phải thờ tượng Đức Ông cùng các thị giả.

Đánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan của ngôi chùa, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong Toàn xứ Đông Dương. Tháng 4 năm 1962, chùa Trấn Quốc được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cuối năm 2003, chùa Trần Quốc có thêm một công trình ý nghĩa đó là bảo tháp lục độ đài sen. Bảo tháp được đặt trong khuôn viên của chùa gần cây bồ đề với ý nghĩa: Hoa sen tượng trưng cho Phật, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế, còn bồ đề là tri giác, là trí tuệ vô thượng.

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với hơn 1500 năm tuổi, Chùa Trấn Quốc nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính mà còn bởi không gian thoáng mát tươi xanh. Và cũng là một điểm du lịch không thể thiếu của không chỉ du khách nước ngoài mà còn của người dân Việt Nam.

Check Also

Khám phá Rừng Dừa Bảy Mẫu Hội An

      Nhắc tới Hội An người ta nghĩ ngay tới những ngôi nhà …

Mộc Châu – Mận nở trắng rừng

     Mộc Châu là một huyện của tỉnh Sơn La, thuộc phía Tây Bắc …

Call Now