Hồ Hoàn Kiếm – trái tim của người Hà Nội, từ lâu đã không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô mà còn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Hà Nội.
Hồ đã có từ rất lâu, khoảng vài nghìn năm trước, song trước khi mang tên là Hoàn Kiếm, hồ có rất nhiều tên gọi gắn liền với những câu chuyện khác nhau như: hồ Lục Thủy vì nước hồ có màu xanh biếc quanh năm, hồ Thủy Quân vì đây là nơi triều đình dùng để duyệt thủy binh…
Tên gọi Hoàn Kiếm chính thức xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần sau khi mượn gươm chiến đấu, đánh tan giặc Minh, chính thức lên làm vua và gây dựng triều đại nhà Lê thịnh vượng.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi Lê Lợi đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa chống lại quân Minh, ông tình cờ bắt được thanh gươm Thuận Thiên. Nhờ có thanh gươm báu này mà ông thắng trận liên tiếp, lên ngôi vua đầu năm 1428.
Trong một lần cùng quần thần dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, chợt rùa vàng nổi lên. Khi vua tuốt gươm chỉ vào, rùa liền ngậm gươm lặn xuống đáy hồ và không nổi lên nữa. Nghĩ rằng đó là ý trời cho mượn gươm đánh giặc mà nay thiên hạ thái bình nên sai rùa đến đòi gươm. Từ đó, hồ được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên khoảng cuối thế kỉ 16, chúa Trịnh cho ngăn hồ thành hai phần tả – hữu, lấy tên là Vọng. Sau đó đến năm 1884, hồ Hữu Vọng bị thực dân Pháp lấp đầy để mở mang thủ đô, còn hồ Tả Vọng được giữ lại chính là Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) ngày nay.
Hồ Hoàn Kiếm nằm ngay trung tâm thủ đô nên không có khó khăn gì khi bạn di chuyển tới đây. Bạn có thể đi taxi, xe máy hay bằng phương tiện công cộng rất thuận tiện là xe buýt.
Cuối tuần ở đây còn là phố đi bộ, diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho cả người lớn lẫn trẻ em với không khí trong lành mát mẻ khiến con người ta thoải mái sau một tuần làm việc vất vả.
Để hiểu thêm về “trái tim” thủ đô, bạn hãy tự mình đi và cảm nhận nhé.