Home » Kinh nghiệm du lịch » Xứ Huế mộng mơ – Phần 1

Xứ Huế mộng mơ – Phần 1

“Ðã đôi lần đến với Huế mộng mơ 
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt 
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được 
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”

– Nhạc Trương Tuyết Mai, thơ Đỗ Thị Thanh Bình –

      Huế với mình đẹp thật sự ấy. Đẹp từ những kiến trúc lăng tẩm đền đài cổ kính, đến cái khí chất êm đềm, thanh nhã của đất cố đô.
Mọi người thường bảo Huế buồn lắm, chả có gì chơi mà mình càng đi càng thấy không đủ, vẫn còn rất nhiều những địa danh mà mình chưa kịp ghé thăm. Đi xong chuyến này về cũng sập nguồn ốm dẹo mà thấy vui vui í. Bởi mỗi chuyến đi là mỗi lần được khám phá thêm một địa danh, nghe thêm được nhiều câu chuyện, thưởng thức thêm được vô số món ngon. 
Nhất là cảm giác khi mình được bước chân lên một vùng đất lịch sử thật thỏa mãn và vi diệu. Trong suy nghĩ của mình khi ấy là, ồ nơi này hơn trăm năm trước là chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội đây sao; đằng sau bức tường thành cao vợi kia trong quá khứ vàng son và biến loạn, Đức Vua và hoàng tộc của các ngài đã sinh sống như thế nào; hay mỗi góc phố, mỗi con đường nơi đây đã có vị danh nhân nào từng đến và đi, từng ngồi thở than nhân sinh, thời cuộc… 

Các công trình Phật giáo trong chùa nho nhỏ (hoặc có thể có công trình to hơn vì chùa còn khu phía trên dành cho tăng lữ tĩnh tu, du khách không được ghé tham quan) nhưng khuôn viên rất rộng và đa dạng: từ rừng thông, đầm nước, những nhịp cầu đá đến am đình.

Từ Trường Lang trông ra Thái Bình Lâu – nơi ngày xưa Vua thường đến nghỉ ngơi, thưởng trà, đọc sách.
Cửa sơn son thếp vàng tại khu vực Trường Lang mới được phục dựng gần đây.

Đi hết Trường Lang, bắt gặp hai tòa lầu nhỏ khá xinh xắn. Sau hai tòa lầu này là khu đất sau cuối của khu vực Tử Cấm Thành, là dấu tích nền móng còn sót lại của điện Kiến Trung. Nơi đây từng là cung điện nguy nga bề thế bậc nhất theo phong cách Tân Cổ Điển được xây vào thời Vua Khải Định, và bị phá hủy năm 1947 trong giai đoạn tiêu thổ kháng chiến bởi những người đồng chí thiện lành.

Đến lăng Khải Định (Ứng Lăng) vào một ngày nắng chói chang nên ấn tượng đầu tiên của mình là lăng như một tòa lâu đài hơi nhiều bê tông cốt thép nhưng thiếu đi sự xanh tươi yên ả cần có của một chốn nghỉ ngơi vĩnh hằng.

 

Bi đình Ứng Lăng
Kiến trúc lăng là sự pha trộn Đông – Tây, Kim – Cổ. Có thể thấy sinh thời vua Khải Định dành rất nhiều tâm huyết và tiền bạc cho việc xây dựng lăng tẩm, thể hiện qua những phù điêu được ghép nổi tinh vi từ gốm sứ hay những bức bích họa “cửu long ẩn vân” tinh xảo trên mái trần.

Trước cửa cung Thiên Định – phần chính của Lăng, là nơi đặt ban thờ và lăng mộ của vua. Trước đây mình có đọc qua, từ thời vua Minh Mạng, trừ những vua bị phế, bị lưu đày, hoặc cai trị trong thời gian quá ngắn không kịp xây lăng thì lúc băng hà thường được chôn cất sơ sài. Còn những vua có thời gian trị vì lâu dài, họ thường sớm xây cho mình nơi đặt mộ rất bí ẩn và đường xuống từ cửa lăng đến huyệt mộ bí ẩn đó được gọi là “Toại đạo”. Trừ 1-2 người thân tín bên vua, không ai biết những “toại đạo” này dẫn về đâu hay có những cạm bẫy nào…

Mỗi lăng tẩm là sự thể hiện của cá tính của mỗi ông vua lúc sinh thời. Khải Định sống trong giai đoạn khi Việt Nam đã trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến, thêm nữa con người Khải Định thích lối phục sức diêm dúa, xa hoa nên lăng của ông có một chút gì đó xa xỉ, tinh tế, hào nhoáng và “hỗn độn”.

Trái ngược với Lăng Khải Định, khi đến Lăng Tự Đức mình thực sự ấn tượng vì phong cảnh sơn thủy hữu tình rất đỗi thơ văn

“Bốn bề núi phủ mây phong,
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”

Trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc

Tự Đức là ông vua giỏi văn thơ nên lăng mộ vừa có sự uy nghiêm vương giả vừa có sự nhẹ nhàng thanh thoát, đầy chất nghệ sĩ. Lăng Tự Đức trước đây có tên là Vạn Niên Cơ, nhưng vì việc xây dựng cung điện này quá nặng nề, vất vả, làm chết quá nhiều mạng người nên đã gây ra cuộc nổi loạn của những dân phu xây lăng. Về sau khi dẹp yên nổi loạn, vua phải viết biểu trần tình và đổi tên nơi đây là Khiêm Cung để làm yên lòng dân chúng.

Lăng Tự Đức chia làm 2 phần rõ ràng: Lăng (Khiêm Lăng) và Tẩm (Khiêm Cung). Lăng là nơi chôn cất, an nghỉ của vua còn Tẩm là nơi để vua đến nghỉ dưỡng khi còn tại thế và sau này là nơi ở dành cho các cung phi trông coi lăng khi vua đã băng hà.

Ngay đằng sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, nơi thờ Thái Hậu Từ Dũ, thân sinh của vua Tự Đức.

Lầu Khải Tường (Cung An Định) 

Mọi người đến Huế thường ít biết đến cung điện này, và vô tình bỏ qua một trong những công trình đẹp còn sót lại từ thời Vua Khải Định. Mình đã từng nuối tiếc về sự phá hủy của điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành, nên ngày cuối ở Huế, dù không còn nhiều thời gian mình vẫn cố để kịp đến thăm nơi này.

Cổng chính cung An Định – nhìn ra sông An Cựu. Đất này xưa kia là phủ đệ của vua Khải Định khi còn là Hoàng tử, khi ông lên ngôi thì cho xây thành cung điện với lối kiến trúc Pháp, rồi ban cho thái tử Vĩnh Thụy – con trai duy nhất của ổng – sau này là vua Bảo Đại. Nên cũng có thể coi phủ này là Đông Cung trong truyền thuyết.

Cung điện còn gắn liền với những câu chuyện về người đàn bà đẹp nhất Đông Dương một thuở – Nam Phương Hoàng Hậu. Sau năm 1945, khi Bảo Đại thoái vị, cả gia đình Hoàng đế đã phải chuyển từ Tử Cấm thành về nơi đây sinh sống. Trong ngôi nhà này, đã bao lần vị Hoàng hậu phải rơi nước mắt, vì nhớ thương chồng, vì ghen tuông với thói trăng hoa đa tình của Bảo Đại (thời ấy Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn chính phủ, đi cặp bồ khá nhiều và không quay trở lại Huế nữa). Sau này, khi gia đình Bảo Đại sang Pháp sống lưu vong, cung điện là nơi ở của Thái Hậu Từ Cung – mẹ vua Bảo Đại rồi trong và sau chiến tranh được trưng dụng và quốc hữu hóa.

Đây là mặt sau Cung An Định không được tu bổ nhiều nên loang lổ rêu phong, chỗ này view ra một sân cỏ rất rộng, ngày trước chỗ ấy là nhà hát Cửu Tư Đài – một công trình nghe nói là rất lộng lẫy và đa sắc, nhưng cũng đã bị phá hủy từ đợt tiêu thổ kháng chiến 1947. 

Đầm Lập An thanh bình, mộc mạc. Xa xa là dãy Bạch Mã đẹp như bức họa. Địa điểm trong hình nằm trên đường Vi Thủ An (từ quốc Lộ 1A rẽ vào tầm 200 mét), nếu đi buổi sáng sẽ hơi khó tìm vì “con đường Điệp Sơn” bị chìm trong nước, tầm chiều tối check-in nước rút mới ra được cồn cát phía ngoài kia. 

Không thể bỏ qua Bãi Lăng Cô cát vàng, nước trong mà đìu hiu. Đến nhà hàng cũng lèo tèo vài nóc, làm ban đầu mình cứ nghĩ đã đến nhầm nơi.

Đi Lăng Cô về mệt đứt cả hơi nhưng điều mình thấy thành tựu nhất ngày hôm ý là đã kịp ghé thăm ngôi trường Quốc học Huế. Trường cổ kính, lãng mạn, đẹp từ màu sắc đỏ rực trong nắng muộn, đến lối kiến trúc đặc trưng Pháp với từng hành lang, ô cửa.

Vẫn còn nhiều nơi mà mình chưa có thời gian để ghé qua, chắc sẽ hẹn với Huế một ngày gần nhất mình sẽ trở lại để có thể khám phá từng ngóc ngách, con đường nơi đây.

Cảm ơn bài review rất có tâm và những bức ảnh nghệ thuật của bạn Hạnh nhé. Đây sẽ là một bài review rất hữu ích cho những ai chưa từng hay đang có ý định đến với Huế thương.

Nguồn ảnh: FB Chong Chóng

Check Also

Con đường Tường Vy – Công Viên Thực Vật Cảnh Việt Nam

      Hoa Tường Vy, Tường Vy cánh mỏng…nghe rất nhiều nhưng đây là …

Trải nghiệm Đà Nẵng – Hội An 3 ngày 2 đêm

      Đà Nẵng được biết đến là thành phố du lịch xanh, một …

Call Now