Bánh trôi, bánh chay là loại bánh quá quen thuộc với người dân Việt Nam từ rất lâu đời. Vị nguyên bản chúng ta thường hay ăn là màu trắng nguyên chất từ bột gạo nếp. Tuy nhiên, với trí sáng tạo của con người qua thời gian, bánh trôi giờ đây không chỉ có màu trắng mà còn thêm nhiều màu đặc sắc khác được tạo ra từ những thứ tự nhiên vừa an toàn, vừa bắt mắt.
Dưới đây là một số cách pha màu cho bột các bạn có thể tham khảo nhé.
1. Bột màu đỏ làm từ gấc
– Cho chút rượu vào bóp kỹ lấy phần cơm gấc, bỏ hạt.
– Trộn bột nếp, bột năng, cơm gấc, muối, dầu ăn, đổ nước nóng vào từ từ, nhồi bột đến khi mịn dẻo. Các bạn điều chỉnh lượng nước và lượng bột sao cho bột mềm dẻo không dính tay là được vì tùy từng loại bột sẽ cần lượng nước khác nhau. Đậy bột lại và để bột nghỉ khoảng 30 phút.
Ngoài gấc bạn có thể dùng củ dền hoặc của cải đỏ đều được nha.
2. Bột màu xanh làm từ lá dứa
– Lá dứa rửa sạch, chần qua nước sôi, cắt nhỏ, xay nhuyễn với một chút nước, vắt lấy nước cốt, hòa cùng với sữa rồi bắc lên bếp đun.
Các bạn lưu ý không để sữa sôi, khi sữa bắt đầu sủi bọt ( lúc này sữa có nhiệt độ khoảng 70 độ C) thì bắc xuống bếp.
– Trộn bột nếp, bột năng, muối cho thật đều rồi từ từ thêm nước lá dứa và dầu ăn vào nhào bột đến khi mịn, không dính tay là được. Đậy bột lại và để bột để nghỉ 30 phút.
Ngoài lá dứa thì bột trà xanh cũng làm được các bạn nhé.
3. Bột màu tím làm từ lá cẩm
Làm tương tự như đối với lá dứa
Ngoài lá cẩm thì khoai lang tím cũng làm được thành phẩm màu tím nhé các bạn.
4. Bột màu vàng làm từ khoai lang nghệ
– Hấp chín khoai lang rồi bỏ vỏ, dùng thìa tán nhuyễn
– Trộn đều khoai đã tán với bột nếp, muối, dầu ăn
– Từ từ thêm nước vào nhào đến khi bột không dính tay và dẻo mịn thì ủ kín bột để bột nghỉ 30 phút.
Ngoài ra cũng có thể dùng tinh bột nghệ để cho ra màu vàng tuyệt đẹp nhé.
5. Bột màu trắng – màu truyền thống từ bột gạo nếp
Mách nhỏ bạn: Với những gia đình ăn ít, chỉ làm một vài đĩa thắp hương, ăn chơi thì có thể mua sẵn bột ngũ sắc được bán ngoài chợ hoặc trên faceboook nhé sẽ cực nhanh gọn và tiết kiệm thời gian. Giá 1 set bột ngũ sắc trên thị trường rơi vào 80 – 100 nghìn đồng (đã bao gồm đường phên, vừng, dừa)
Quy trình làm bánh
Bước 1: chia bột thành các phần nhỏ vừa miệng ăn
Bước 2: Mỗi viên bột làm cùng 1 viên đường, cho vào giữa bánh vê tròn.
Bước 3: Đun sôi nước, thả bánh vào. Bánh chín nổi lên, chuyển màu trong. Vớt ra cho vào bát nước sôi để nguội. Mục đích của việc cho bánh vào bát nước sôi để nguội là cho bánh săn lại, các viên bánh không bị dính vào nhau.
Bước 4: Bày bánh ra đĩa, rắc vừng và dừa nạo sợi lên mặt bánh.
Bánh chay:
Đối với bánh chay ở quê, mọi người nặn viên bánh to gấp 3-4 lần bánh trôi và bên trong là nhân đỗ nấu chín, nghiền nhuyễn.
Bánh chay luộc lên, vớt ra tô giống với bánh trôi, tuy nhiên phần đặc sắc của bánh chay nằm ở nước dùng của bánh. Đối với bánh truyền thống thời các cụ để lại, nước dùng bánh chay được nấu từ mật mía. Tuy nhiên vị sẽ siêu ngọt, bạn chỉ ăn 1 viên bánh chay là sẽ ngán. Ngày nay, để biến tấu cho phù hợp với khẩu vị ăn dần bớt ngọt của con người, phần nước dùng của bánh được làm thanh hơn với công thức sau:
– Đường thốt nốt (nếu không có dùng đường trắng tinh luyện hoặc đường phèn).
– Gừng: thái sợi mỏng hoặc có thể giã lấy nước (gừng tạo mùi thơm nhẹ cho bánh thêm phần hấp dẫn).
– Vừng trắng rang vàng vừa chín tới.
– Bột sắn dây hoặc bột năng để tạo độ sánh cho nước dùng.
Đun nước với đường cùng gừng đã thái. Trong quá trình chờ nước sôi, đánh tan bột sắn dây với nước lạnh cho tan hết. Nước đường sôi ta để lửa liu riu và từ từ đổ sắn dây đã hòa phía trên vào nồi và khuấy đều để không bị vón cục.
Nêm nếm độ sánh và độ ngọt vừa vặn, chan nước dùng vào bánh, rắc 1 chút vừng và dừa lên trên và hoàn thành bát bánh chay ngon mắt.
Viết ra thì khá dài dòng nhưng khi làm thì rất nhanh các bạn nhé. Chúc các bạn có những mẻ bánh thành công nha!
Bật mí thêm @_@: nếu ngán bánh ngọt rồi thì phần bột thừa có thể chuyển sang làm bánh rán mặn cũng vô cùng hấp dẫn luôn bạn nhé!